Nơi ấy ta tìm về

 

Sau gần một năm đợt dịch thứ 4 bùng phát, du lịch đã trở lại mạnh mẽ với những điều bất ngờ, thú vị, hứa hẹn tạo nên cú hích lớn đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Bước sâu vào tâm rừng Trà Sư.

Bông tràm bung nở trắng Rừng Trà Sư

Từng đợt hoa này tàn thì đợt khác lại bung xòe nối tiếp nhau vô tận khiến cảnh sắc rừng đẹp lung linh như “Vườn địa đàng”. Hương thơm bảng lảng của loài hoa dung dị quanh năm luôn nhẹ nhàng khiến cho không gian thật dễ chịu.

Màu trắng tinh khôi, cánh mỏng, dài, li ti kết với nhau thành từng chùm như “hoa ưu đàm” mọc trên thảm rừng xanh bát ngát, là thiên đường an trú quần cư của các loài côn trùng ong bướm.


Chạm khẽ vào thiên nhiên.

Dấu chân của du lịch đã in vết rất đậm trên từng cung đường xanh dập dềnh sóng nước, với những bước đi khiêm tốn và thận trọng thể hiện lòng tôn trọng tự nhiên sâu sắc.

Nhiều đoàn du khách phấn khích đạp xe vòng quanh trên con đường rợp mát bóng tràm, say mê ngắm từng đàn chim cò tung vũ khúc chuyền cành; Tha hồ phượt trên những thảm bèo nhung xanh mướt hay thản bộ trên cầu tre xuyên rừng, được hít thở không khí trong lành… là những trải nghiệm thật tuyệt vời.


Trà Sư - khu bảo tồn các loài thiên điểu.

Du lịch xanh ở khu rừng tràm Trà Sư bát ngát xanh không chỉ mãn nhãn cảnh chim trời cá nước, mà đã đến đây rồi thì phải thưởng thức ẩm thực đất rừng phương nam vô cùng đậm vị.



Menu các món ăn hấp dẫn khiến không ai có thể vô tình.

“Dịp 30/4 - 1/5 năm nay được xem như bàn đạp cho cao điểm du lịch hè. Chúng tôi cảm nhận được thị trường đang ấm lại và cột mốc sắp tới hứa hẹn đánh dấu sự trở lại đầy triển vọng của du lịch Trà Sư”. Đại diện Ban Giám đốc KDL Rừng Tràm Trà Sư cho biết.

Leo đồi và đi xuyên hang động

Ngọn Đồi Tức Dụp chưa bao giờ nguôi độ nổi tiếng bởi những giá trị tinh thần quật khởi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn truyền mãi đến mai sau.

Màu chiến thắng trên đỉnh vinh quang.

30/4 - 1/5 phải đi đến Tức Dụp để tận hưởng hào khí dân tộc còn vẹn nguyên trên từng ngóc ngách của Ngọn Đồi. Những vách đá cheo leo đầy hiểm trở cùng với chuỗi hang động đá Granite chứa đựng truyền thuyết kỳ bí xen lẫn những câu chuyện bi tráng kiêu hùng mãi mãi còn dọng lại.

Thả hồn vào những âm hưởng của núi rừng Phụng Hoàng Sơn làm dịu bớt căng thẳng, để tìm về những dấu vết của năm tháng hào hùng tạc ghi trên từng viên đá. Tức Dụp hôm nay đã trải những lớp thảm xanh, kết hợp hài hòa giữa núi đồi, công viên cây xanh, hồ nước thơ mộng, tiểu cảnh non bộ tạo nên một không gian đậm chất sơn cước miền Tây.

Tọa độ từ lưng chừng đồi.

Công viên “màu hoa đỏ” rực rỡ khoe sắc, khu bảo tồn động vật quí hiếm đặc trưng ở vùng Bảy Núi, Đền thờ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. Đặc biệt là hệ thống hang động trong lòng núi được nâng cấp và tái hiện bối cảnh của quá khứ oai hùng.

Vẫn vẹn nguyên sức sống mãnh liệt ở khu Di tích lịch sử quốc gia.

“Hồn dân tộc” sẽ được mọi người thấy và cảm nhận được khi đi xuyên qua chuỗi hang động: Hang C6 có sức chứa hơn 150 người, Hang Quân y, Hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy, Hang của Ban Chỉ huy quân sự, Hang của Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ, Dân y và Hang Tiên Nữ. Mỗi khu là một vẻ độc đáo với những khối đá muôn hình vạn trạng đan xen.

Nắm bắt cơ hội

Sau quãng thời gian dài sóng gió, du lịch đang trên đà hồi sinh và gỡ bỏ nhiều rào cản để đưa ngành này sớm trở về đỉnh cao của năm 2019.

Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, kể từ năm 2020, lượng du khách đến An Giang đã có thể vượt qua cột mốc 10 triệu lượt người mỗi năm nếu như đại dịch không đổ bộ. Năm 2022, Du lịch An Giang sẽ cố gắng nỗ lực lấy lại những gì đã bỏ lỡ. Kỳ vọng con số 10 triệu du khách/năm sẽ sớm là “vạch xuất phát” để ngành công nghiệp không khói của An Giang nắm giữ những thành quả mới.




Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
02966 512 299