Về An Giang khám phá rừng tràm Trà Sư!!!!!

Toàn cảnh Rừng Tràm Trà Sư

    Đến với Rừng tràm Trà Sư (thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) du khách sẽ có cơ hội khám phá hệ sinh thái rừng ngập nước đặc trưng phía Tây sông Hậu với nhiều loài động thực vật đa dạng quý hiếm.

    Rừng Tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983, từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Rừng tràm Trà Sư rộng 845ha, nằm trên địa bàn 3 xã gồm:  Vĩnh Trung, Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú (An Giang).

    Rừng tràm mênh mông, cứ đến mùa nước nổi từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 âm lịch lại khoác lên mình chiếc áo xanh mát với vẻ đẹp kiều diễm, mà chẳng có bút mực nào có thể diễn tả hết được.

    Rừng tràm Trà Sư có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Kết quả nghiên cứu mới nhất của đại học An Giang, rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (giang sen) và cò cổ rắn (điêng điểng). Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu.

Rừng tràm trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam”

    Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, rừng tràm Trà Sư còn có những công trình nhân tạo tuyệt đẹp. Tập hợp tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước, nhà đầu tư quyết tâm xây dựng công trình đạt kỷ lục Guiness “cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư để phục vụ du khách. 

    Đi lang thang vào vùng lõi trên chiếc cầu tre duyên dáng uốn lượn, du khách sẽ tận hưởng được cảm giác thời gian như trôi chậm lại để hòa mình vào thiên nhiên. Mạng lưới giao thông “tre” được trang trí như những cung đường hoa tuyệt đẹp len lỏi qua từng hàng tràm cổ thụ. Không khói bụi, không ô nhiễm tiếng ồn, không bê tông cốt thép, vạn nhịp cầu tre như cánh tay nối dài làm bệ đỡ cho tài nguyên Trà Sư sinh trưởng nhanh hơn. Từ khi đưa vào khai thác, cây cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và nét duyên dáng của công trình.

Cầu tre vạn bước đạt kỷ lục là cây cầu tre dài nhất Việt Nam

    Tại trung tâm rừng tràm là khu vưc nhà hàng với các chòi lá nhỏ nằm men theo bờ kênh, phục vụ các món ăn đặc sản mùa nước nổi như: Chuột nướng lu, cá chạch nướng, cá lóc nướng trui, gỏi sầu đâu cá sặc, cá nàng hai chiên giòn,… Du khách đến đây chủ yếu vào các dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần nên các chòi lá đầy khách, kẻ ăn uống, người đu đưa trên võng tận hưởng không khí rừng tràm.

    Rừng tràm Trà Sư có một đài quan sát cao 30m, mà khi đứng từ đài này, du khách có thể quan sát toàn cảnh bằng kính viễn vọng (tầm nhìn xa 25km), với bức tranh rừng tràm rộng mênh mông, bất tận. Quanh khu vực rừng tràm, thấp thoáng xa xa còn có khá nhiều ngôi làng của đồng bào Khmer và người Kinh cùng sinh sống, nổi tiếng với những làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc như dệt lụa Khmer siêu, thổ cẩm, làng nuôi ong mật, khu tinh cất tinh dầu tràm…Với sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu, những người đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã, những tay săn ảnh, những phượt thủ,..

Phương tiện để du khách tham quan rừng tràm là những chiếc xuồng nhỏ

    Những “con đường nước” xanh mơn man, tiếng mái chèo khua nhẹ, tiếng gió rì rào, tiếng cá quẫy, tiếng chim kêu ríu rít, tiếng du khách cười nói,…tất cả đã tạo lên một bức tranh về rừng tràm Trà Sư xanh mát, rộn ràng thanh âm sự sống của hiện tại và tương lai. Đó là những ấn tượng tôi không thể nào quên về rừng tràm Trà Sư.


Nguồn: Báo dân tộc

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
02966 512 299