Rừng tràm Trà Sư - nơi có chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam

    Rời xa phố thị đông đúc, du khách hãy tìm đến Rừng tràm Trà Sư để thỏa sức đắm mình vào thiên nhiên xanh mát và "check-in" với chiếc cầu tre kỷ lục dài nhất Việt Nam.

Rừng tràm Trà Sư ở đâu?

    An Giang nổi tiếng cả nước với nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt. Trong đó, khu du lịch Rừng tràm Trà Sư - khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây sông nước là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với An Giang.

Ảnh sưu tầm

    Nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 25 km về phía Tây Nam và thành phố Long Xuyên khoảng 60 km. Rừng tràm Trà Sư với diện tích 845ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005.

Nên đến Rừng tràm Trà Sư vào thời gian nào?

    Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Vào mùa này, du khách sẽ được du ngoạn trên những chiếc xuồng ba lá bồng bềnh trên dòng nước và bèo đặc biệt tươi xanh. Nên ghé thăm và du ngoạn rừng tràm vào khoảng thời gian từ 7 - 9 giờ sáng hoặc 14 - 16 giờ chiều để chuyến tham quan an toàn, tiện lợi.

Khung cảnh Rừng Tràm - Ảnh sưu tầm 

Rừng tràm Trà Sư có gì? 

    Rừng tràm Trà Sư có rất nhiều hạng mục cho du khách tham quan. Một trong những điểm không thể bỏ lỡ chính là việc du ngoạn trên sông bằng xuồng chèo và tắc ráng. Tắc ráng là tên gọi khác của xuồng máy, hay còn gọi là vỏ lãi, là phương tiện sinh sống gắn liền với người dân miền tây sông nước.

Trải nghiệm Tàu máy - Ảnh sưu tầm 

    Đến cổng rừng tràm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Cầu Kiều Trà Sư và Phố Lan Không Mùa. Sau đó, khách tản bộ tham quan các địa điểm như: FA Garden, Good boys go Hell Garden, Thưởng Ngư Kiều... Tiếp đến, du khách có thể checkin Chim Công, các tiểu cảnh Trâu Bò.... Sau khi checkin các địa điểm bên ngoài xong khách sẽ tham quan tắc ráng để đi len lỏi các lung bèo trong khu rừng tràm. Khách đổi từ vỏ lãi sang xuồng chèo tay, mỗi xuồng chỉ khoảng 2 - 3 người ngồi kèm theo đó là một bác/cô chèo thuyền kiêm cả việc hướng dẫn viên cho du khách nơi đây.

Ảnh Hoa Mai

    Trên chuyến đi tham quan tàu máy/xuồng chèo tay khách sẽ được mở mang tầm mắt và nhận được những thông tin bổ ích từ Rừng tràm. Như là nơi đây hội tụ hơn 70 loài chim, trong đó có những loài quý hiếm đã được ghi tên mình vào Sách Đỏ như Giang Sen hay Điêng Điểng phương đông, cộng với 11 loài thú, 25 loài bò sát và 10 loài cá. Ngẫu hững, thì mấy cô mấy bác sẽ làm vài câu hò trong lúc đi tham quan.

Trải nghiệm xuồng chèo tay - Ảnh sưu tầm 

    Vào sâu trong rừng tràm, du khách cũng có thể trèo lên đài quan sát nằm giữa rừng, dùng ống nhòm để quan sát, và nếu may mắn sẽ thấy hàng vạn con cò trắng bay về tổ như tấm vải khổng lồ phủ trên nền rừng xanh. Ngoài ra từ đài quan sát này, du khách sẽ nhìn thấy một số ngọn núi trong dải Thất Sơn như núi Ông Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), hay tượng Phật Di Lặc cao 33,6m nằm trên núi Cấm hay cũng có thể thấy cả dãy núi Sam…

Tháp vọng cảnh - chiêm ngưỡng toàn cảnh rừng tràm Trà Sư

    Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư bên chiếc xuồng chèo, du khách có thể trải nghiệm cảm giác chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên từ Tháp vọng cảnh. Từ đây, du khách có thể nhìn thấy nếp sinh hoạt của cộng đồng dân cư người Chăm ven rừng tràm, cũng như cảm nhận được sự bao la, rộng lớn của rừng tràm Trà Sư.

Cầu tre vạn bước

    Cầu tre vạn bước là cây cầu dài 10 km được khánh thành vào đầu năm 2020. Với kiến trúc độc đáo là những thanh tre ghép lại với nhau. Mới đây, cầu tre đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là "Cầu tre dài nhất Việt Nam trong rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam".

Cầu tre vạn bước - Ảnh sưu tầm 

Thành phố bồ câu và hồ cá thần

    Thành phố bồ câu được ví như thành phố Châu Âu thu nhỏ. Ở đây với hơn 500 cư dân chim bồ câu sinh sống, tạo một khung cảnh rất nên thơ. Địa điểm này rất được nhiều du khách chọn checkin lưu giữ lại những khoảng khắc đẹp. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm cho bồ câu ăn và chụp hình với chúng.  

Du khách đang cho bồ câu ăn - Ảnh sưu tầm 

Du khách checkin tại Thành phố Bồ Câu - Ảnh sưu tầm 

    Hồ cá thần quy tụ các loại cá tiêu biểu của vùng sông nước Mekong, tại đây du khách có thể trải nghiệm dịch vụ cho cá ăn với các gói thức ăn có sẵn.

Hồ cá Thần - Ảnh sưu tầm 

Cho cá ăn - Ảnh sưu tầm 

Gian hàng Đặc sản 

    Tại gian hàng đặc sản du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản miền tây như các loại khô, lạp xưởng,... Đặc biệt, sẽ được nếm thử mật ong hoa tràm được nuôi tại trang trại nuôi ong ở Rừng. Du khách có thể mua về sử dụng, làm quà biếu, tặng cho.

Giá vé và giờ mở cửa ở rừng tràm Trà Sư

    Rừng tràm Trà Sư mở cửa vào lúc 7 giờ sáng và đóng cửa vào lúc 17 giờ.
  • Vé tham quan: 100.000 đồng/khách
  • Vé tàu máy (tắc ráng): 50.000 đồng/khách (Khứ hồi)
  • Vé xuồng ba lá (xuồng chèo tay): 50.000 đồng/khách 
  • Hướng dẫn viên tại điểm: 250.000 đồng/chuyến
  • Thuê tàu riêng hoặc xuồng riêng 300.000đồng/chuyến

Ảnh Hoa Mai


Nguồn: Báo Dân Trí



Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
02966 512 299